(KHCN) - Với mục tiêu xây dựng khu bảo tồn loài nhằm bảo vệ các loài thực vật hạt trần quý hiếm tại khu vực rừng thuộc xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 2012 – 2013, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã thực hiện dự án “Xác lập khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm thuộc xã Nam Động, huyện Quan Hóa.
Công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu và thống kê thực địa tài nguyên đa dạng sinh học được thực hiện tại khu vực núi đá vôi Pha Phanh thuộc xã Nam Động, huyện Quan Hóa. Dựa trên kết quả thực hiện dự án, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã hoàn thiện Đề án “Thành lập Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa”
Ngày 6/12/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 4376/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Thành lập Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa” với mục tiêu chính để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng của 6 loài hạt trần gồm: Thông pà cò(Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng(Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp(Amentotaxus argotaenia), Dẻ tùng sọc rộng(Amentotaxus yunnanensis), Thông đỏ đá vôi(Taxus chinensis), Thông tre lá dài(Podocarpus neriifolius).
Theo ông Lê Thế Long - phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, việc thành lập khu bảo tồn các loài thực vật hạt trần quý hiếm Nam Động với mục tiêu bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, phát huy các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, trọng tâm là sáu loài hạt trần quý hiếm gồm: thông pà cò (tên khoa học Pinus kwangtungensis), đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia), dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis), thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius). Khu bảo tồn này có tổng diện tích 646,95ha, nằm trên địa bàn hai huyện vùng cao Quan Hóa và Quan Sơn.
Khu bảo tồn các loài thực vật hạt trần quý hiếm Nam Động sẽ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng được giao; triển khai hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu, phục hồi tài nguyên rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các loài hạt trần quý hiếm; xây dựng các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn...
Việc thành lập khu bảo tồn này góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gene có nguy cơ tuyệt chủng của các loài thực vật hạt trần quý hiếm.
TH