KHCN - Khan hiếm nước sạch trên thế giới là một trong những vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ tồi tệ hơn trong tương lai do con người ngày càng sử dụng nhiều nước hơn, chính vì vậy mà nhiều phát minh của các nhà khoa học đã ra đời nhằm cải thiện tình tình khan hiếm nước sạch trong tương lai.
 |
Ảnh minh họa
|
Ông Ramakrishna Mallampati, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sau khi thử nghiệm trên các vật liệu rẻ có sẵn, ông nhận thấy vỏ táo và vỏ cà chua có thể loại bỏ các chất ô nhiễm khác nhau bởi quá trình hấp thụ khi chúng hòa tan vào nước. Các chất ô nhiễm này bao gồm hóa chất hữu cơ, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu.
Hơn nữa, để vỏ táo tăng cường khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm tích điện âm, ông Ramakrishna Mallampati cố định thêm hợp chất tự nhiên oxit zirconi lên bề mặt vỏ táo, và ông thấy rằng phương pháp này làm tách các ion mang điện tích âm như photphat, asen, các ion cromat ra khỏi nước.
 |
Ảnh minh họa
|
Ngoài ra các nhà nghiên cứu Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore và Đại học Colorado, Mỹ cũng đã tạo ra hệ thống lọc nước có thể tiêu diệt vi khuẩn một cách nhanh chóng mà không cần năng lượng.
Họ tạo ra một gel polymer xốp chứa các hạt nano bạc có khả năng sát khuẩn và loại bỏ chất bẩn khỏi nước, tạo thành nước tinh khiết. Chất bạc trong nước lọc tạo ra nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, với 4 gram vật liệu, một hình trụ đường kính 1,5 cm, dài 9 cm có thể thanh lọc và làm sạch nửa lít nước. Nó được tái sử dụng nhiều hơn 20 lần mà không làm mất khả năng khử trùng.
Nước đun sôi giúp loại bỏ các ký sinh trùng như giardia và các vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, sau thảm họa tự nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đun sôi nước uống.
Các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm gel nhiều lần trước khi sản xuất nó rộng rãi trong tương lai gần.
TH