Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Sự phát triển và ứng dụng của Internet đã làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc chuyển dần các giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và cả nhu cầu của các bên hữu quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư…) của doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra với các nhà quản lý là làm thế nào để vừa tiết kiệm, vừa tối đa hóa lợi ích của những khoản đầu tư vào các ứng dụng công nghệ thông tin để các ứng dụng này thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp dựa trên những nền tảng sẵn có.
Việc đề xuất giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử để đưa vào thực tiễn đòi hỏi nhiều điều kiện từ hành lang pháp lý cho đến hạ tầng công nghệ và nhận thức của doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là xu hướng tất yếu trong quá trình điện tử hóa môi trường doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình, quy trình, giải pháp triển khai hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam” do Bà Lê Thị Hà thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin làm chủ nhiệm với mong muốn cung cấp một tài liệu tham khảo hữu ích, đóng vai trò là bản hướng dẫn chi tiết giúp doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có định hướng để xây dựng và triển khai hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử. Giải pháp này cần phù hợp với điều kiện kinh tế, và các điều kiện đặc trưng về tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, mà trọng tâm hướng tới là các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.
Sau đây là những kết quả cơ bản của nhiệm vụ đã đạt được:
- Nghiên cứu một cách hệ thống về hoạt động chứng thực điện tử, bao gồm chứng thực chữ ký điện tử, chứng thực văn bản điện tử, chứng thực hợp đồng điện tử của một số quốc gia trên thế giới; đánh giá sự phù hợp về hạ tầng pháp lý và hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam; đưa ra giải pháp và mô hình phù hợp cho việc triển khai hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, đơn vị chủ trì có thể tư vấn cho cơ quan hoạch định chính sách tạo hành lang pháp lý, chính sách phù hợp cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam;
- Việc triển khai hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và rủi ro khi ký kết các hợp đồng điện tử, đặc biệt đối với những hợp đồng điện tử xuyên biên giới;
- Nghiên cứu, phân tích hạ tầng pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử của các nước trên thế giới và Việt Nam;
- Tổng hợp, phân tích kinh nghiệm của các nước đã triển khai hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trên thế giới;
- Đề xuất lộ trình triển khai mô hình chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
TH