Chuyện bên lề

Tầm quan trọng của việc xây dựng Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử

(KHCN)-Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

    Tiếp theo, Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội bằng cách đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và thực hiện Chính phủ điện tử. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng.

    Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT tạo hành lang pháp lý cho các dịch vụ CNTT; xây dựng và đưa vào khai thác Hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; xây dựng có hiệu quả Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; đẩy mạnh việc sử dụng chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử, bảo mật thông tin trong cơ quan nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, chưa coi ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của bộ, ngành, địa phương. Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Liên hiệp quốc năm 2014, Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 99 trên thế giới (giảm 16 bậc so với năm 2012) và đứng thứ 5 trong khối ASEAN. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp. Thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử (Một cửa điện tử Quốc gia) trên cơ sở hình thành từ các hệ thống thông tin về: Thủ tục hành chính, dân cư, đất đai - xây dựng và doanh nghiệp để cấp phép, thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

    Hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý về xác thực và định danh điện tử còn chưa hoàn thiện. Với người dân, việc xác thực danh tính chủ yếu sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác vẫn còn rất phổ biến, gây bất tiện và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ. Với doanh nghiệp, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được sử dụng như một hình thức xác thực chính để khai thuế qua mạng, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội. Sử dụng chữ ký số được coi là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn, được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, còn có những hạn chế nhất định như giá thành cao, vì thế khó phổ biến đến đại đa số người dân với các giao dịch điện tử thông thường. Ngoài ra, các hệ thống thông tin như cổng dịch vụ công trực tuyến, các trang thương mại điện tử, ngân hàng điện tử,… đang tự quy định và xây dựng quy trình xác thực và định danh riêng, không thống nhất tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất quyền riêng tư, an toàn và an ninh thông tin trong giao dịch điện tử. Các dịch vụ công chủ yếu ở mức 1, mức 2 do chưa có các hình thức xác thực, định danh điện tử phù hợp.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng Chính phủ điện tử cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định quy định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.

    Nghị định quy định về xác thực và định danh điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

TH

Thông tin website

Chuyên trang Bản tin khoa học công nghệ.
Thực hiện : Phòng Khoa học - Công nghệ, Trung Tâm CNTT, BộVăn hoá,Thể thao & Du lịch.
Người chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc.

Địa chỉ: Ngõ 2 số 20, Vân Hồ, Hoa Lư, Hà Nội;
Tel: 0243 9745845
Email: khoahoccongnghe@cinet.gov.vn
Ghi rõ nguồn khi phát lại thông tin từ website này.

Liên hệ Tòa soạn