Ứng dụng

Lỗ hổng bảo mật Spectre

(KHCN)-Spectre là một trong hai lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng vừa được công bố, cho phép hacker đánh cắp dữ liệu từ máy tính và các thiết bị di động. Đặc biệt, các máy tính trang bị chip Intel lại là những mục tiêu dễ bị tấn công nhất.

Đây là phương thức mới mà tin tặc sử dụng để tấn công vào bộ xử lý Intel, AMD và cả ARM. Google là công ty đầu tiên phát hiện ra nó và chỉ mới đây, họ mới chính thức phơi bày mọi chi tiết ra trước công chúng.

Meltdown và Spectre đều lợi dụng lỗ hổng bảo mật cơ bản trong các chip nói trên, về mặt lý thuyết mà nói thì chúng có thể được dùng để "đọc những thông tin nhạy cảm trong bộ nhớ của một hệ thống, như mật khẩu, khóa để mở nội dung được mã hóa hay bất kì thông tin nhạy cảm nào"

Điều đầu tiên bạn nên biết đó là gần như mọi cỗ PC, laptop, tablet và smartphone đều bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng bảo mật này, dù là nó đến từ nước nào, công ty nào hay chạy hệ điều hành nào. Nhưng lỗ hổng này cũng không hề dễ khai thác: nó yêu cầu nhiều yếu tố cụ thể để có thể phát huy tác dụng, bao gồm việc phải có malware chạy sẵn trên máy rồi. Nhưng lỗ hổng bảo mật không thể dựa trên lý thuyết mà an tâm được.

Hậu quả sẽ không chỉ ảnh hưởng tới một thiết bị cá nhân. Lỗ hổng này có thể khiến toàn bộ server, trung tâm dữ liệu hay những nền tảng điện toán đám mây có thể bị kẻ xấu đột nhập. Trường hợp xấu nhất, khi mà các yếu tố cụ thể đều hiện hữu, Meltdown và Spectre có thể được chính người dùng sử dụng, nhằm đánh cắp thông tin từ các người dùng khác.

Hiện tại, những bản vá đã được tung ra, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi: nó sẽ khiến những cỗ máy cũ chậm đi trông thấy, nhất là những chiếc PC, laptop, ... đã cũ.

Đáng ngại hơn, vấn đề này cũng tác động đến các thiết bị di động. Google cho biết các thiết bị đã được cài đặt bản cập nhật bảo mật gần đây nhất sẽ an toàn trước lỗ hổng này, nhưng còn các thiết bị iOS của Apple thì sao?

ARM đã tung ra một bản cập nhật vá lỗi dành cho một loạt các thiết bị có chip ARM có thể bị ảnh hưởng. Một số thiết bị iOS sở hữu chip A-series do Apple tự thiết kế dựa trên kiến trúc ARM, nghĩa là chúng có thể sẽ là mục tiêu dễ bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng bảo mật Spectre nêu trên. Đến thời điểm hiện tại, các thiết bị này bao gồm: iPhone 4/4S/5/5C, iPad 1/2/3, Apple TV gen 2/3, iPod Touch gen 4/5.

Không loại trừ khả năng các thiết bị iOS mới hơn cũng bị ảnh hưởng, nhưng chúng sẽ có thể tạm thời an toàn một khi Apple tung ra bản cập nhật iOS.

ARM cho biết khả năng người dùng bị hacker đánh cắp thông tin trên các thiết bị di động là khá thấp, miễn là họ không cài các ứng dụng từ các nguồn lạ. Bởi để có thể thực hiện hành vi đánh cắp dữ liệu thì hacker buộc phải cài đặt được các mã độc lên máy người dùng. Và khi nói về việc cài đặt ứng dụng từ nguồn lạ thì iOS an toàn hơn rất nhiều so với Android, dù vẫn tồn tại một số malware chạy trên iOS từng bị phát hiện trước đây.

TH

Thông tin website

Chuyên trang Bản tin khoa học công nghệ.
Thực hiện : Phòng Khoa học - Công nghệ, Trung Tâm CNTT, BộVăn hoá,Thể thao & Du lịch.
Người chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc.

Địa chỉ: Ngõ 2 số 20, Vân Hồ, Hoa Lư, Hà Nội;
Tel: 0243 9745845
Email: khoahoccongnghe@cinet.gov.vn
Ghi rõ nguồn khi phát lại thông tin từ website này.

Liên hệ Tòa soạn