Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.
Công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của đất nước. Một số khu công nghiệp CNTT tập trung đã được hình thành, phát triển. Tổng đoanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 67,7 tỷ USD.
Tỷ lệ người dân Việt Nam được phổ cập internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường THPT và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, lĩnh vực CNTT đã có những thay đổi lớn, xuất hiện nhiều xu thế công nghệ như di động, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… đã làm thay đổi căn bản cách tiếp cận và triển khai ứng dụng, phát triển CNTT.
Đối với việc thuê dịch vụ CNTT, Chính phủ khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ CNTT, không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Cần phải bỏ ngay cách nghĩ “thuê doanh nghiệp làm thì không bảo đảm an ninh”. Muốn bảo đảm an toàn thông tin, cần phải đưa đầu bài ngay khi bắt đầu thuê dịch vụ CNTT. Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng vướng nhất vẫn là tư tưởng.
Liên quan đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, đừng lấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu làm mục tiêu chính.Thực chất, xây dựng cơ sở dữ liệu là để phục vụ cho mục tiêu quản lý. Dữ liệu không được kết nối, chia sẻ là dữ liệu chết, dữ liệu manh mún. Dữ liệu được kết nối, được chia sẻ sẽ là nguồn tài nguyên quý giá. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Về nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến đổi mới mạnh mẽ đào tạo về CNTT. Sẽ đồng ý cho các kỹ sư đang làm tại các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chuẩn sẽ được đánh giá như là giáo viên tham gia vào công tác đào tạo cho sinh viên các trường đại học để giảm bớt sự hàn lâm. Các doanh nghiệp và Hiệp hội phải có trách nhiệm tham gia hoạt động này.
Đối với những đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật CNTT, Phó Thủ tướng chỉ đạo, nên tiếp cận theo xu thế chung là trên cơ sở đã có luật cơ bản, có nền khung rồi, thì tiến tới các luật chuyên sâu hơn. Luật càng chuyên sâu thì khi cần chỉnh sửa, điều chỉnh sẽ thuận tiện hơn, đồng thời, cần nghiên cứu các xu thế phát triển mới của ngành CNTT để đưa vào trong Luật.