Chiến lược - Chính sách

Cơ chế hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp

(KHCN)-Hệ sinh thái khởi nghiệp (ÐMST) bao gồm các thành phần chính là: Chính sách và luật pháp của nhà nước; vốn và tài chính; văn hóa khởi nghiệp; cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn thường xuyên về khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; nhân lực; thị trường. Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp ÐMST tuy mới hình thành nhưng đã giúp một số doanh nghiệp thành công trong giai đoạn đầu, như một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông. Chỉ tính riêng năm thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, những kết quả khả quan đều nhờ sự hỗ trợ và nâng cao năng lực trong giai đoạn khởi nghiệp. Tất cả những hỗ trợ đó đã hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một vùng, một quốc gia. Hiện, có khoảng gần 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DNKN đang hoạt động tại Việt Nam như: DG Ventures, CyberAgent Ventures, Gobi Partners, 500 startups, Quỹ Sáng tạo CMC, Viettel Venture… Số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đang tăng dần với nhân sự là các doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu thực hiện đầu tư cho các DNKN ở thế hệ sau. Qua đó bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như: VIC Impact, iAngel... Nhờ đó, năm 2016, ngành công nghệ tài chính tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD, nhiều hơn tổng giá trị của tất cả các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ truyền thông.

Hiện có khoảng 24 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các cơ sở ươm tạo hầu hết là đơn vị hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học như Vườn ươm doanh nghiệp CNC Hòa Lạc; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tuy là mô hình mới nhưng cũng đang hoạt động rất hiệu quả như: Ðề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam” (Vietnam Silicon Valley) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN); Tổ chức thúc đẩy kinh doanh Việt Nam... Ngoài ra, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp là đối tượng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các DNKN, cũng bước đầu hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình Ðối tác ÐMST Việt Nam - Phần Lan... Hiện, cả nước có khoảng 30 khu làm việc chung, không gian sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đào tạo, kết nối của các DNKN. Các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST nêu trên đã có nhiều hoạt động, kết nối với nhau và thu hút được sự quan tâm của xã hội.


Thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm 2017, UBND Thành phố đã bố trí cho Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư) gần 18,6 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp 12,6 tỷ đồng... Đây là số liệu trong Báo cáo số 309/BC-UBND về theo dõi thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố vừa được công bố. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng và thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kể từ ngày 10/7/2017, các tổ chức tín dụng trên địa bàn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, mức giảm từ 0,5%-1%/năm.

Các chương trình, chính sách ưu đãi được các ngân hàng triển khai kịp thời và liên tục sửa đổi phù hợp, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ và thu hút được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Đến 30/9/2017, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đối với tổ chức tín dụng đạt 466.895 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,4% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn và tăng 15,7% so với cuối năm 2016.

Thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến; tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của toàn thành phố kết nối với phần mềm một cửa điện tử và liên thông; cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng còn 10 ngày (theo quy định là 30 ngày); thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống còn 14 ngày (quy định 30 ngày).

TH

Thông tin website

Chuyên trang Bản tin khoa học công nghệ.
Thực hiện : Phòng Khoa học - Công nghệ, Trung Tâm CNTT, BộVăn hoá,Thể thao & Du lịch.
Người chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc.

Địa chỉ: Ngõ 2 số 20, Vân Hồ, Hoa Lư, Hà Nội;
Tel: 0243 9745845
Email: khoahoccongnghe@cinet.gov.vn
Ghi rõ nguồn khi phát lại thông tin từ website này.

Liên hệ Tòa soạn