Về thực trạng ứng dụng CNTT trong ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình - phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra số liệu: hiện 100% các doanh nghiệp đã sử dụng internet trong liên hệ, quảng bá sản phẩm, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những khâu cơ bản, chưa khai thác được hết các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thực trạng này dẫn tới năng suất và tính cá thể hóa của các sản phẩm dịch vụ còn thấp.
Theo ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, một công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực du lịch với doanh thu trong mảng này đạt tới 2000 tỷ đồng năm 2016, hiện có 3 xu hướng lớn đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của toàn ngành: sự lớn mạnh của những công ty phân phối sản phẩm trực tuyến (Online Travel Agency - OTA), xu hướng tự động hóa, và nền kinh tế chia sẻ. Những phương pháp marketing truyền thống như in ấn, theo ông Kiên đã không còn hiệu quả, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho quảng bá trực tuyến.
Cùng chia sẻ tầm nhìn, ông Nguyễn Thế Trung - CEO Công ty Công nghệ DTT cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đang dẫn tới nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu rõ hơn nhu cầu của du khách thông qua những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay dữ liệu lớn (Big Data), … Chuyển đối số là điều bắt buộc phải làm, tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, đó là làm sao để số hóa được toàn bộ quy trình kinh doanh, ông Trung phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thiên Minh, ông Kiên cho biết tập đoàn đã và đang đầu tư lớn cho những nghiên cứu và ứng dụng dữ liệu lớn để phân tích thói quen và xu hướng đi du lịch của khách hàng, từ đó hướng tới cá thể hóa sản phẩm dịch vụ. Ông đề xuất Nhà nước nên có những chính sách kiến tạo môi trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nội, như có các ưu đãi về thuế và lập hàng rào kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp nội có đủ thời gian lớn mạnh, tích lũy nguồn lực, đổi mới công nghệ và cạnh tranh hiệu quả với những OTA nước ngoài - có tiềm lực chính công nghệ mạnh hơn rất nhiều. Đơn cử là trường hợp của Ctrip – OTA lớn nhất Trung Quốc, doanh số hơn 1,2 tỷ USD (2015), hãng này thuê tới 1.500 kỹ sư công nghệ, làm việc theo nhóm và lựa chọn giải pháp có chất lượng tốt nhất từ các nhóm.
Chiều cùng ngày, Hội thảo chia thành hai nhóm chuyên đề chính xoay quanh ngành du lịch. Chuyên đề thứ nhất là “Ứng dụng CNTT hướng tới du lịch thông minh – Giải pháp cho các doanh nghiệp du lịch”, bao gồm các giải pháp thông minh cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và lữ hành. Chuyên đề thứ hai là “Ứng dụng CNTT hướng tới Du lịch thông minh – Giải pháp cho các cơ quan quản lý và điểm đến du lịch”. Bên cạnh đó là chia sẻ từ đại diện các cơ quan quản lý như Sở Du lịch Hà Nội và Trung tâm thông tin Tổng cục Du lịch, giúp đưa ra cái nhìn thực tiễn dựa trên những mô hình cụ thể để các doanh nghiệp nhận thức cơ hội và thách thức hiện trong quá trình chuyển đổi số, đáp ứng xu hướng phát triển mới hiện nay. Cuối buổi hội thảo, các đại biểu đi tham quan Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
TH