(KHCN)-Hiện nay, hoạt động chuyển giao công nghệ đại học – doanh nghiệp hiện nay đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ đại học – doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế. Một số trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng các hoạt động thương mại hóa công nghệ, các tác giả tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép. Nhiều sáng chế công nghệ chưa hoàn thiện, đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được. Một số tác giả sáng chế quá thận trọng trong việc hợp tác và vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Họ muốn nhanh chóng thu lợi ích từ việc chuyển giao sáng chế công nghệ, không muốn hợp tác chung tay phát triển công nghệ với nhà đầu tư.
Nguyên nhân là do các nghiên cứu có tiềm năng khai thác ứng dụng còn ít; nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; năng lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn thấp; môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế đã có tác dụng bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao; khó khăn trong đàm phán thương mại…
Hiện nay, tình hình thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam đang có rất nhiều chuyển biến và thay đổi tích cực. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới KH&CN ngày càng tăng lên nhằm tạo thêm sức cạnh tranh. Trong các trường đại học, viện nghiên cứu, hướng nghiên cứu khoa học đã ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn. Chính sách khuyến khích của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trường đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đại học – doanh nghiệp. Nhiều Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng đã tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn cần khắc phục. Từ phía trường đại học, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KH&CN còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp…
Từ phía doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam (trên 90% có vốn dưới 10 tỷ đồng) với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ… Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các trường đại học…
Từ phía Nhà nước, còn nhiều chính sách ưu tiên cho trường công lập nên trường đại học và các doanh nghiệp vẫn chưa tích cực liên kết với nhau. Thông tin từ các chính sách khuyến khích chưa được phổ biến đầy đủ, kịp thời; thiếu cơ quan chuyên môn xúc tiến liên kết đại học – doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn yếu kém nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại học công nghệ đại học – doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo tại các trường đại học.
Các giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ đại học – doanh nghiệp, gồm: Cơ chế và chính sách mang tầm quốc gia; Giải pháp cụ thể đối với trường ĐH kỹ thuật. Chúng ta cần nhanh chóng hỗ trợ thành lập các cơ quan trung gian thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ, tổ chức thêm Tech-marts và tăng cường marketing công nghệ, đầu tư thêm trang thiết bị cho các trường ĐH kỹ thuật nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cấp vốn thêm cho những người hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
TH