Từ sau khi giành độc lập tự chủ, người Việt thực sự chiếm lĩnh trọn vẹn chữ Hán, sử dụng nhuần nhuyễn chúng để phục vụ cho mọi hoạt động triều chính lẫn dân sinh, tạo nên nhiều thành tựu văn hóa, lịch sử to lớn trong quá khứ của dân tộc.
Lịch sử du nhập chữ Hán vào Việt Nam cho ta thấy rằng, bản thân chữ Hán không có tội, nó chỉ là một loại công cụ của văn hóa, mà đã là công cụ thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người sử dụng. Bọn bành trướng phương Bắc thì sử dụng nó làm công cụ nô dịch tư tưởng dân tộc khác, đồng hóa để lấn át đi bản sắc văn hóa riêng của dân tộc khác; người Việt thì lại dùng nó để truyền tải văn hóa và tư tưởng dân tộc mình, làm công cụ để đấu tranh giành độc lập tự chủ, chống lại chủ nghĩa bá quyền phương Bắc, củng cố vị thế hiên ngang của dân tộc mình. Những áng văn thơ tuyệt tác bằng chữ Hán trong kho tàng văn học dân tộc, không thể chối cãi, đã thể hiện rõ điều đó.
Điều đáng nói là khi đối diện với chữ Hán, tổ tiên ta đã có thái độ ứng xử không giống như chúng ta ngày nay. Dẫu biết chữ Hán được du nhập từ phương Bắc, được sử dụng với những mưu đồ có lợi cho kẻ xâm lược, thế nhưng người xưa vẫn rất bản lĩnh khi tiếp nhận nó.
Ông cha ta nhận thức rõ ràng rằng, tiếp thu chữ Hán và phụ thuộc vào tư tưởng lập trường của người Hán hoàn toàn là hai chuyện khác nhau. Vì vậy mà trên thực tế, chữ Hán đã chuyển tải được ý chí và tâm hồn dân tộc, song hành cùng với nhận thức, tư duy, tình cảm của dân tộc suốt chiều dài chế độ phong kiến đến giữa thế kỷ XX. Sau 1945, người Việt không còn học tập chữ Hán nữa, nền giáo dục Việt đã có chữ quốc ngữ thay thế, dòng mạch truyền tải văn hóa truyền thống bị đứt gãy, không còn liên tục giống như các nước Đông Á khác (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Nhận thức của thế hệ sau về văn hóa, lịch sử trong quá khứ ngày càng phôi phai, nhạt nhòa dần. Cuộc giao lưu giữa chữ Hán, chữ Tây, chữ quốc ngữ đã cho ra đời nhiều học giả uyên thâm cổ kim đông tây đầu thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực. Ở đó, không phải không có vai trò đóng góp của chữ Hán. Vì thế, trong quá khứ, ít khi nào ông cha ta đặt vấn đề chữ Hán là thứ chữ ngoại lai, là cái của người khác; mà hình như nó đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa, của đời sống, nó ngấm sâu vào máu thịt người Việt, là tài sản tinh thần to lớn của người Việt.
Chúng ta ngày nay, về mặt chữ viết hầu như đã thoát ly khỏi chữ Hán, hệ thống chữ quốc ngữ tiện lợi dễ học dễ nhớ có thể chuyển tải hầu hết mọi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống. Chữ Hán trong mắt người hiện đại trở thành một thứ chữ viết ngoại lai, bởi lẽ đa phần chúng ta không còn đọc hiểu được nó, mặc dù chúng hầu như vẫn dùng để chuyển tải tinh thần dân tộc.
Sự xuất hiện của chữ Hán đâu đó lại ẩn chứa nhiều hiểm họa nếu nước khác tiếp tục lợi dụng chúng phục vụ cho những mưu đồ đen tối để chiếm đoạt chủ quyền. Bối cảnh này khiến chúng ta phải đặt một câu hỏi, làm sao để ứng xử đúng mực, phải lẽ với chữ Hán để một mặt vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa phải đấu tranh chống sự lai căng văn hóa, xâm thực văn hóa tinh vi, lúc ẩn lúc hiện từ bên ngoài.
Việc sử dụng chữ Hán cổ khá phổ biến ở nhiều cơ sở thờ tự hiện nay không hoàn toàn giống như việc sử dụng chữ Hán hiện đại trên các biển quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Chữ Hán cổ là sản phẩm lịch sử, có quá trình hình thành và phát triển tự thân trong đời sống xã hội, đã đi vào quá khứ với những giá trị chuẩn mực được cố định hóa, được bao thế hệ người Việt, từ người có học giỏi chữ nghĩa đến những người dân thường mù chữ, trân trọng và kính ngưỡng.
Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ được số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Ðiều này là một phần chứng minh được rằng chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi. Ðến thế ký VII - XI chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, vì vậy hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chữ Hán có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn hóa của nước Việt Nam xưa. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc.
TH