(KHCN)-Sáng 12/6, ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia...
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Việt Nam chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm mặc dù Luật Công nghệ cao đã quy định nội dung này. Trong Luật Ngân sách nhà nước, các luật có liên quan chưa có quy định nội dung này, vì thế việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ từ các viện, trường, đến nay vẫn chưa làm được. Bộ trưởng cho biết hiện Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia không phải Quỹ đầu tư mạo hiểm mà vẫn là quỹ nhà nước nên quy trình, thủ tục để có các dự án đầu tư từ quỹ vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết chương trình đổi mới công nghệ quốc gia còn đang xây dựng. Bộ đang tiến hành ba dự án gồm Dự án xây dựng phương pháp đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam; Dự án xây dựng bản đồ công nghệ cho lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp Việt Nam; Dự án đầu tư nâng cao trình độ công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với các vấn đề này, Bộ đang thực hiện chậm so với tiến độ mong muốn, vì Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã được Chính phủ quyết định từ năm 2011, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, nhưng quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn cho chương trình, cho cơ chế quỹ kéo dài do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Trả lời về Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết từ khi Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ giao nhiệm vụ, sau 16-17 năm, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa thực hiện được dự án theo đúng tiến độ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vướng mắc nhất của dự án là khâu giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, do việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội nên dự án đã phải điều chỉnh nhiều lần, khung giá đất cũng thay đổi. Tuy nhiên, cuối năm 2014, Chính phủ đã ủng hộ nên có cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng, được áp dụng cơ chế Đại lộ Thăng Long, do đó toàn bộ việc giải phóng mặt bằng đã được giải quyết xong.
Dự kiến ngày 26/6 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ khởi công dự án hạ tầng theo vốn ODA của Nhật Bản. Đến năm 2018, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đi vào hoạt động đúng với dự kiến ban đầu. Như vậy, sau hai năm thi công hạ tầng đồng bộ sẽ là giai đoạn xúc tiến đầu tư và tổ chức hoạt động công nghệ cao theo đúng tiêu chí Khu công nghệ cao.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hằng năm có khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu này. Nói về đề tài xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân ra làm ba loại. Loại một về nghiên cứu cơ bản chủ yếu là xếp ngăn kéo bởi tính chất của loại nghiên cứu này luôn đi trước thời đại, cần phải chờ đợi sự phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được. Loại hai là những nghiên cứu ứng dụng. Đặc điểm của loại đề tài này là để ứng dụng được phải có điều kiện đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trên thực tế, nhiều đề tài đã nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Các nghiên cứu này muốn ứng dụng được cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều đề tài tốt vẫn phải chờ đợi. Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc nghiên cứu đề tài không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, mà từ sở thích và mong muốn của các nhà khoa học.
Làm rõ thêm câu hỏi của một số đại biểu về phân bổ đề tài, kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ có ba loại nhiệm vụ gồm nhiệm vụ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền giao cho trực tiếp quản lý; nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh giao cho các bộ và tỉnh trực tiếp quản lý, ngoài ra có hệ thống nhiệm vụ cấp cơ sở. Theo đó, việc phân bổ, giao kinh phí các đề tài dự án tuân thủ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Khoa học và Công nghệ.
Sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã nêu lên các vấn đề lớn Bộ Khoa học và Công nghệ cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất giải pháp và thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ cần tập trung phát triển khoa học công nghệ đồng bộ, xây dựng thị trường khoa học công nghệ, trong đó chủ thể là các nhà nghiên cứu khoa học, người sử dụng công nghệ; tiếp tục giải quyết vấn đề cung và cầu, làm rõ vai trò của các chủ thể trong mối quan hệ này.
Bộ cần khắc phục triệt để tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học để ngăn kéo, tránh lãng phí cho nguồn ngân sách quốc gia; thực hiện hiệu quả chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các bộ, ngành khác phát triển chương trình sản phẩm quốc gia thương hiệu Việt Nam với giá thành hợp lý, được thị trường chấp nhận.
TH