Theo các chuyên gia, hoa, cây cảnh là một ngành đặc thù, vừa có giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị kinh tế cao.Sản xuất hoa, cây cảnh đã giải quyết nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời mang lại cảnh quan xanh, đẹp cho đất nước.
Trong những năm qua, sản xuất hoa, cây cảnh đã tăng lên một cách nhanh chóng, từ 3.500ha năm 1995 lên đến 17.300ha năm 2013; giá trị sản lượng tăng 26,62 lần.Đặc biệt, sản xuất hoa, cây cảnh đã đổi mới theo phương hướng đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất,nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Có được kết quả trên là do sự nỗ lực của ngườinông dân, của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của cơ chế chính sách Nhà nước, và một phần không nhỏ là sự đóng góp của các nhà khoa học.
Nhiều sản phẩm hoa và cây cảnh đổi mới theo phương hướng đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hình thành được nhiều vùng sản xuất hoa, cây cảnh hàng hóa. Tuy nhiên công tác nghiên cứu về hoa, cây cảnh vẫn còn nhiều hạn chế như sản xuất còn manh mún, thiếu các cơ sở áp dụng công nghệ cao, sự liên kết giữa các “nhà” trong sản xuất còn thiếu, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Nằm trong vùng khí hậu đa đạng, Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoa và cây cảnh. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được đánh giá có nhiều tiềm năng do có vùng canh tác rộng, nguồn lao động dồi dào và được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, ngành sản xuất hoa cây cảnh tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn và thách thức: sản xuất tản mạn, thiếu quy hoạch; liên doanh, liên kết còn thiếu và yếu, trình độ kỹ thuật sản xuất còn nhiều hạn chế; thương mại hóa và quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng, trong khi phải cạnh tranh với các nước có ngành hoa, cây cảnh phát triểntrong khu vực (Thái Lan. Đài Loan…).
Theo GS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội Sinh học Việt Nam, để phát huy những thuận lợi và khắc phục khó khăn đưa ngành hoa, cây cảnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, hội thảo nhất trí đưa ra một số định hướng chính như sau:
(1) Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu chọn tạo giống hoa mới, xây dựng và hoàn thiện các quy trình công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ cao;
(2) Quy hoạch mở rộng và phát triển một số vùng hoa, cây cảnh;
(3) Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hoa, cây cảnh;
(4) Thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh;
(5) Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho ngành hoa
(6) Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hoa
TH